Ảnh hưởng của trận đánh đến quá trình bành trướng xâm lược của La Mã Trận_rừng_Teutoburg

Xem thêm thông tin: Limes Germanicus § Augustus
Tình hình các bộ lạc Đức vào năm 50.

Theo cuốn German: Biography of a Language của tác giả Ruth Sanders, chiến thắng Teutoburg đã đảm bảo sự vững tồn của ngôn ngữ German.[9] Chắc hẳn là Augustus đã khuyên Tiberius nên giữ vững cái biên cương mà trận Teutoburg đã xác lập và đừng nên bành trướng thêm nữa.[14][58] Tính từ khi các thư tịch cổ La Mã được tìm thấy từ thế kỷ XV cho đến tận ngày nay, trận Teutoburg - một thảm bại kinh hoàng nhất trong ký ức sống của Đế quốc La Mã[19] - thường được xem là một bước ngoặt trong việc chận đứng mộng bành trướng của La Mã vào Trung và Bắc Âu. Quan niệm này đặc biệt phổ biến vào thế kỷ XIX khi chủ nghĩa dân tộc Đức đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Như trong cuốn The Barbarians Speak: How the Conquered Peoples Shaped Roman Europe của tác giả Peter S. Wells, theo sau một loạt thắng lợi lớn của người La Mã ở châu Âu, thảm bại Teutoburg có tầm quan trọng to lớn đối với tiến trình hoạt động của họ tại đây trong tương lai[76].[83]

Tuy nhiên, gần đây một số học giả bắt đầu nghi ngờ quan điểm này và đặt ra một số lý do khác hơn về việc tại sao người La Mã không tiếp tục phát triển thế lực qua bên kia sông Rhine, hay nói cách khác tại sao con sông này là một biên giới thiết thực hơn cả đối với đế quốc.[84] Về mặt hậu cần, các đạo quân đóng dọc trên sông Rhine hoàn toàn có thể nhận được tiếp viện và lương thảo thông qua Rhone và Mosel, mặc dù con đường tiếp vận có phần nào không hoàn toàn liền mạch. Ngược lại, nếu chọn phát triển thế lực sang tận Trung Âu, tỉ như tới sông Elbe, con đường tiếp vận sẽ phải băng qua vùng lục địa mênh mông hoặc vùng Đại Tây Dương nguy hiểm. Về mặt kinh tế, lưu vực sông Rhine đã xuất hiện nhiều khu định cư và làng mạc với cư dân tương đối đông đảo ngay từ thời Caesar chinh phục xứ này. Trái lại, vùng Germania kém phát triển hơn nhiều, dân cư thì thưa thớt, lương thực lại ít ỏi. Chính vì vậy, dường như việc dừng chân ở con sông Rhine tỏ ra thích hợp hơn cho sự tồn tại của đế quốc cũng như cho việc nuôi sống một lực lượng đồn binh khổng lồ, và do đó có những lý do thực tiễn cho những hạn chế của chủ nghĩa bành trướng La Mã thời Hoàng đế Augustus ở vùng đất này. Thực sự, dù Tacitus chỉ nói bóng gió, thảm họa Teutoburg có thể được xem là thất bại có hiệu lực nhất của La Mã tính đến thời điểm đó. Trước kia, quân La Mã đã bị người Samnium đánh tan ở trận Caudine Forks năm 321 trước Công nguyên, quân Carthage đập nát ở trận Cannae năm 216 trước Công nguyên và bị người Cimbri và Teuton đại phá ở trận Arausio năm 105 trước Công nguyên, nhưng những chiến bại ấy chỉ làm trì hoãn thắng lợi cuối cùng của La Mã, chứ không thể xoay chuyển hoàn toàn chính sách đối ngoại của La Mã như thảm họa Teutoburg[85].

Cuốn Historical Encyclopedia of Natural and Mathematical Sciences, Tập 1 của tác giả Ari Ben-Menaḥem cho biết Augustus chấm dứt mở cõi sau thảm họa Teutoburg là do những khó khăn tài chính liên quan tới việc bù đắp các quân đoàn bị mất và bổ sung thêm lực lượng để buộc Germania phải thần phục hoàn toàn[86]. Một hệ quả khác của thất bại quyết định tại trận Teutoburg là,[7] sau khi tù trưởng Arminius qua đời, chính quyền La Mã thực thi chính sách sắc phong tước vương cho các thủ lĩnh German nhằm biến các bộ tộc này thành chư hầu của mình, qua đó kiểm soát các khu vực nằm ngoài biên cương La Mã ở châu Âu là sông Rhine và sông Donau. Italicus, cháu gọi Arminius bằng cậu, được phong làm vương của tộc Kerusk. Vangio và Sido được phong làm thủ lĩnh tộc Sueb. Các thủ lĩnh khác cũng được tấn phong như thế.[87][88] Sau thảm bại Teutoburg, chỉ có Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius là có tham vọng lớn hơn về Germania.[85]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_rừng_Teutoburg http://www.ancientlibrary.com/smith-bio/1092.html http://www.ancientlibrary.com/smith-bio/3099.html http://www.britannica.com/EBchecked/topic/107997/C... http://www.clades-variana.com http://books.google.com/books?id=fqSWGm67D44C&pg=P... http://www.nujournal.com/page/content.detail/id/50... http://www.sacred-texts.com/cla/tac/a12020.htm http://www.smithsonianmag.com/history-archaeology/... http://www.unrv.com/provinces/germania.php http://www.youtube.com/watch?v=QHzMVQx4GMs